Nhận BHXH một lần – “lợi trước mắt, thiệt thòi lâu dài”Một phần lớn nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên là do, một số lao động gặp khó khăn khi tìm lại việc làm trong thời điểm dịch Covid-19, họ mong muốn có một khoản chi tiêu trước mắt để trang trải cuộc sống. Bên cạnh đó, một bộ phận NLĐ vẫn còn quan niệm “trẻ cậy cha, già cậy con”, chưa hình thành thói quen tự đảm bảo an sinh khi về già, đóng BHXH để khi hết tuổi lao động có lương hưu, chủ động với cuộc sống của mình, không phụ thuộc vào con cái.
Theo các chuyên gia, việc NLĐ rời khỏi hệ thống BHXH là thực trạng đáng quan tâm, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ, mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân, không để ai ở lại phía sau. Bởi vì, nhận BHXH một lần chỉ có thể giải quyết nhu cầu kinh tế trước mắt, nhưng về lâu dài, sẽ rất thiệt thòi cho NLĐ khi hết tuổi lao động.
Khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, các quyền lợi của NLĐ sẽ bị hạn chế hơn so với khi hưởng lương hưu, cụ thể như sau:
Thứ nhất, nếu nhận BHXH một lần, sau này tham gia lại BHXH sẽ không được cộng nối thời gian đóng BHXH, mà tính thành thời gian đóng BHXH mới. Như vậy, NLĐ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có thu nhập để đảm bảo cuộc sống khi họ hết tuổi lao động hoặc nếu khi nghỉ hưu vẫn đủ thời gian được hưởng lương hưu thì do thời gian đóng BHXH ít nên số tiền lương hưu sẽ thấp, mất nguồn tài chính hỗ trợ và ổn định cuộc sống lâu dài khi bị suy giảm khả năng lao động, hết tuổi lao động.
Thứ hai, trong toàn bộ thời gian hưởng lương hưu (độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe nhất của mỗi người), NLĐ được quỹ BHXH trả kinh phí để cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí (người nghỉ hưu có lương hưu không phải tự mua thẻ BHYT) và được hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT. Khi người hưởng lương hưu không may qua đời thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người hưởng lương hưu chết và thân nhân được hưởng trợ cấp tử tuất hàng tháng hoặc một lần.
Thứ ba, khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là một của để dành quý giá của chính mình, nó không mất đi mà ngược lại vẫn được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng, người tham gia có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ đóng của Nhà nước. Trong thời gian bảo lưu, nếu chẳng may bị chết thì gia đình được hưởng trợ cấp mai táng phí, thân nhân được hưởng trợ cấp tuất theo quy định.
Thứ tư, việc nhận BHXH một lần là phải chấp nhận sự thiệt thòi rất lớn khi với 22% mức tiền lương tháng đóng vào Quỹ Hưu trí, tử tuất thì một năm tổng mức đóng là 2,64 tháng lương. Trong khi mức hưởng BHXH một lần cho mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Thứ năm, người tham gia BHXH, khi đã hưởng lương hưu thì mức lương hưu được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế.
Từ phân tích trên cho thấy, khi NLĐ nhận BHXH một lần, NLĐ sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi khi chưa đến tuổi nghỉ hưu đã tiêu hết tiền dưỡng già. Để đến khi về già, không được hưởng hưu trí, họ phải phụ thuộc vào con, cháu và xã hội; nếu không may bị bệnh, không có thẻ BHYT, họ còn phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chi phí khám chữa bệnh chỉ sau một lần mắc bệnh và nằm viện thời gian dài, từ đó phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, kiệt quệ, trở thành gánh nặng đối với gia đình và xã hội.
Vì vậy, việc cân nhắc, lựa chọn nhận BHXH một lần là điều hết sức quan trọng với mỗi NLĐ, đừng vì cái lợi trước mắt mà bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu để trang trải cuộc sống, cũng như được hưởng chế độ BHYT để chăm sóc sức khỏe khi về già.
Nếu người lao động bị thất nghiệp, nên đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp
Trong thời điểm giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, nếu NLĐ không may bị thất nghiệp, thì NLĐ nên đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp học nghề; đăng ký nhận chế độ hỗ trợ từ Gói an sinh của Chính phủ. Đợi qua đợt khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, nền kinh tế tiếp tục được vận hành, NLĐ có cơ hội trở lại thị trường lao động, tiếp tục được đóng BHXH để cộng nối thời gian tính hưởng lương hưu sau này.
NLĐ được hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc 5 lần mức lương tối thiểu vùng; Được hưởng chế độ BHYT theo quy định để khám, chữa bệnh BHYT khi không may ốm đau; Được hỗ trợ học nghề (tối đa 1 triệu đồng/người/tháng); Được hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; Được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Theo Tapchitaichinh