Thông thường, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp của đa số quốc gia cho phép doanh nghiệp được khấu trừ tiền lãi vay phải trả cho bên cho vay trước khi xác định lợi nhuận tính thuế thu nhập doanh nghiệp; trong khi cổ tức các cổ đông được chia theo tỷ lệ nắm giữ vốn chủ sở hữu được lấy từ lợi nhuận sau khi doanh nghiệp đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Lợi dụng quy định về nguồn chi trả lãi vay và nguồn chi trả cổ tức như nêu trên, một số tập đoàn kinh tế đã chủ ý sắp xếp cơ cấu vốn đầu tư với giá trị vốn chủ sở hữu rất nhỏ so với vốn vay để tránh thuế thu nhập doanh nghiệp. Nắm bắt được ý đồ lập và thực hiện kế hoạch tránh thuế thu nhập doanh nghiệp của nhiều tập đoàn kinh tế như nêu trên, để bảo vệ quyền đánh thuế của chính phủ, đa số các quốc gia trên thế giới đã đặt ra quy định nhằm hạn chế lãi vay được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp có cơ cấu vốn chủ sở hữu mỏng để chống lại hành vi chủ ý chuyển dịch lợi nhuận thông qua lãi vay làm xói mòn cơ sở thuế thu nhập doanh nghiệp. Các phương pháp nhằm hạn chế chi phí lãi vay được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp được các nước trên thế giới cụ thể hóa thành các quy định trong Luật thuế thu nhập doanh nghiệp là:
1. Phương pháp áp dụng nguyên tắc thị trường đối với lãi suất hoặc đối với giá trị khoản vay: cho phép doanh nghiệp chỉ được khấu trừ chi phí lãi vay trong phạm vi lãi suất tiền vay bằng hoặc thấp hơn lãi suất tiền vay giữa các bên hoàn toàn độc lập khách quan có cùng điều kiện vay hoặc cho phép doanh nghiệp chỉ được khấu trừ tối đa chi phí lãi vay tương ứng khoản vay mà doanh nghiệp có cùng điều kiện, hoàn cảnh tương tự cần vay phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và có thể vay được từ các bên độc lập khách quan.
2. Phương pháp khấu trừ thuế tại nguồn: doanh nghiệp có trách nhiệm giữ lại số tiền lãi vay phải trả cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tương ứng với số thuế phải nộp thuộc nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân để nộp Ngân sách Nhà nước thay cho các tổ chức, cá nhân đó.
3. Phương pháp không chấp nhận một tỷ lệ phần trăm nhất định của tất cả các khoản tiền lãi vay của một công ty, bất kể bản chất của khoản thanh toán hoặc đối tượng nhận khoản thanh toán này.
4. Phương pháp hạn chế khấu trừ chi phí tiền lãi vay thuần dựa trên một tỷ lệ cố định như: tỷ lệ cố định Vốn vay/Vốn chủ sở hữu hoặc tỷ lệ cố định Vốn vay/Tài sản hoặc tỷ lệ cố định Vốn vay/Lợi nhuận.
5. Phương pháp hạn chế mức tiền lãi vay hoặc hạn chế giá trị khoản vay của một công ty không được vượt quá tổng mức tiền lãi vay hoặc không được vượt quá tổng giá trị khoản vay của toàn tập đoàn từ các bên độc lập.
6. Phương pháp không cho phép khấu trừ tiền lãi vay đối với một số giao dịch vay cụ thể.
Mỗi phương pháp nêu trên có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Các quốc gia căn cứ vào bối cảnh cụ thể của mình để lựa chọn một phương pháp cơ bản hay lựa chọn áp dụng kết hợp đồng thời giữa một phương pháp cơ bản với nhiều phương pháp khác để hạn chế khấu trừ chi phí lãi vay sao cho quy định đặt ra có tính khả thi cao cho cả phía cơ quan thuế cũng như người nộp thuế và đáp ứng được mục tiêu chống xói mòn cơ sở thuế TNDN cũng như đảm bảo sự bình đẳng giữa những người nộp thuế.
Ưu điểm và nhược điểm của một số phương pháp cơ bản cụ thể như sau:
Thực tế nghiên cứu quy định của các quốc gia cho thấy:
Phương pháp giới hạn chi phí lãi vay theo nguyên tắc thị trường được ít quốc gia sử dụng nhất (hiện nay chỉ có nước Anh áp dụng phương pháp này).
Phương pháp áp dụng tỷ lệ cố định vốn vay/vốn chủ sở hữu được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng nhất. Do việc xác định đơn giản, các yếu tố cấu thành nên vốn vay được dựa trên các Báo cáo tài chính, bảng cân đối kế toán từ các khoản vay phải trả lãi suất và các khoản phải trả thương mại chịu lãi suất và những khoản khác tương tự như khoản vay. Tùy vào quy định mỗi nước mà chỉ tiêu này được lấy bình quân các khoản vay hoặc tương đương chịu lãi suất trong các tháng/quý hoặc lấy tổng các khoản vay vào cuối năm quyết toán. Tuy nhiên, để hạn chế việc các doanh nghiệp sắp xếp các khoản vay và vốn chủ sở hữu để đạt được ngưỡng vốn mỏng quy định để nằm ngoài sự điều chỉnh của quy định vốn mỏng thì nhiều quốc gia kết hợp với phương pháp giới hạn tỷ lệ chi phí lãi vay ròng (chi phí lãi vay ròng = chi phí lãi vay – thu nhập từ lãi vay) trên thu nhập điều chỉnh. Các quy định vốn mỏng theo phương pháp tỷ lệ cố định hầu hết được áp dụng cho cả bên liên kết và bên độc lập, cụ thể như sau:
Nguồn: Viện CL&CSTC – Tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu ở một số quốc gia.
Đối với phương pháp giới hạn chi phí lãi vay được trừ theo một tỷ lệ cố định của CPLV/ Lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu khao (EBITDA), hiện nay theo nghiên cứu của CQT có Đức, Ý và một số nước khác đang áp dụng phương pháp này. Tỷ lệ lãi suất các khoản vay theo quy định của CQT Đức tương ứng với tỷ lệ quy định 30% EBITDA. Khác với nhiều nước khác Đức là nước duy nhất áp dụng phương pháp này đối với cả các khoản vay từ các ngân hàng thông thường và áp dụng chung cho cả bên liên kết và bên độc lập.
Các kế hoạch tránh thuế của các doanh nghiệp ngày càng tinh vi. Ngoài các kế hoạch tránh thuế thường thấy như chuyển giá, lợi dụng chính sách khác nhau giữa các khu vực, địa bàn… thì việc doanh nghiệp cơ cấu các khoản vay không thực chất để gia tăng khấu trừ khi tính thuế TNDN để tránh hoặc ít nhất phải nộp một số thuế tối thiểu đã làm xói mòn cơ sở tính thuế, gây bất ổn cho nền kinh tế, cạnh tranh không lành mạnh và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Các quy định thuế liên quan đến khấu trừ lãi vay ngày càng trở nên dễ bị lạm dụng thì việc đề xuất bổ sung các quy định về vốn mỏng vào Luật thuế TNDN càng trở nên cấp thiết, trong khi các quy định hiện có về hạn chế lãi vay như trần lãi suất, quy định giá thị trường không thể ngăn chặn được hết các trường hợp khấu trừ chi phí lãi vay quá mức này. Chính vì vậy, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống pháp luật thuế để hạn chế chuyển dịch lợi nhuận ra khỏi Việt Nam thông qua hạn chế khấu trừ chi phí lãi vay phù hợp với thực tiễn, phải thống nhất, đồng bộ và hài hòa với các quy định sẵn có khác.
THEO TS24