E.A. Locke (Đại học Maryland, Mỹ) cho rằng: “Sự hài lòng trong công việc là trạng thái cảm xúc thú vị từ kết quả thẩm định công việc hoặc kinh nghiệm làm việc của một người”. Tương tự, Milton Friedman (nhà kinh tế học đoạt giải Nobel) và John Arnold (nhà đầu tư) nhấn mạnh: sự hài lòng trong công việc được định nghĩa là số lượng ảnh hưởng tích cực nói chung hoặc cảm xúc mà cá nhân có đối với công việc của mình. Còn theo nhà nghiên cứu Andrew Brin, sự hài lòng chính là yêu thích công việc: “Nếu bạn thích công việc của mình, bạn sẽ có được sự hài lòng”.
Như vậy, nói một cách đơn giản, sự hài lòng trong công việc có thể được định nghĩa là mức độ tích cực của cảm xúc hoặc thái độ mà cá nhân có được đối với công việc đang làm. Khi một người nói rằng anh ta rất hài lòng với công việc của mình, có nghĩa là anh ta thích và đánh giá cao và cảm thấy tốt về công việc đó.
Sự thỏa mãn trong công việc là cụm từ và khái niệm thường dùng khác, cùng ý nghĩa với sự hài lòng trong công việc, nhưng ở cấp độ cao và toàn diện hơn. Sự thỏa mãn trong công việc là trạng thái cảm xúc tích cực bắt nguồn từ việc đánh giá của nhân viên trong trải nghiệm công việc.
Trải nghiệm đó bao gồm bản chất, đặc điểm công việc và bối cảnh làm việc, mức lương thưởng, sự công nhận thành tích và năng lực, quan hệ với giám sát viên và cộng sự và khả năng thăng tiến. Sự bất mãn diễn ra khi không đạt được các kỳ vọng này.
Có 3 đặc điểm liên quan đến sự thỏa mãn trong công việc. Đầu tiên, không thể nhìn thấy sự thỏa mãn trong công việc, chỉ có thể suy diễn ra; kế tiếp, sự thỏa mãn và thái độ đối với công việc thường song hành; cuối cùng, nó thường được quyết định bởi kết quả công việc so với kỳ vọng, tức là đáp ứng được hay vượt quá mong đợi. Vì vậy, không có công thức đơn giản nào để dự báo sự thỏa mãn của một nhân viên.
Nhân viên thỏa mãn trong công việc thường dùng phần lớn thời gian để làm việc và cống hiến cho tổ chức. Họ cũng làm việc với năng suất và chất lượng, hiệu quả hơn, đặc biệt khi thành quả có liên kết với phần thưởng.
Họ cũng sẽ gắn bó hơn và có tinh thần trách nhiệm cao hơn với công ty. Họ ít có khả năng rời bỏ công việc, vắng mặt hay đi trễ, ăn cắp hay tham gia các hành động bạo lực.
Mặt khác, sự thỏa mãn trong công việc của nhân viên có tác động mạnh và rõ ràng trên sự thỏa mãn của khách hàng, thể hiện trạng thái cảm nhận của một người qua việc tiêu dùng sản phẩm hay sử dụng dịch vụ. Tâm trạng tốt, nhân viên có khả năng thể hiện nhiều sự thân thiện và tình cảm tích cực, đặt khách hàng vào một tâm trạng tốt hơn, do đó có nhiều khả năng sẽ phục vụ khách hàng tốt hơn.
Các nhà quản trị doanh nghiệp ngày nay quan tâm đến sự thỏa mãn trong công việc của nhân viên, vì điều đó ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh quan trọng về hành vi cá nhân trong tổ chức. Có thể thấy, nâng cao mức độ thỏa mãn trong công việc của nhân viên sẽ duy trì sự ổn định của nguồn nhân lực, giảm chi phí hoạt động và tăng hiệu suất kinh doanh. Vì vậy, hiệu quả của hoạt động này là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá sự thành công của công tác quản trị.
Để tăng cường sự thỏa mãn trong công việc của nhân viên, không đơn thuần chỉ sử dụng biện pháp tăng lương, mà còn nhiều giải pháp khác, kể cả các giải pháp đơn giản, ít tốn kém. Nhà quản trị có thể trao cho nhân viên quyền tự chủ nhiều hơn trong công việc, chẳng hạn, tạo điều kiện cho họ sắp xếp lịch làm việc linh động hay điều chỉnh giờ làm việc, phát huy sáng kiến hay tổ chức làm việc theo nhóm hiệu quả.
Việc sắp xếp các hoạt động và điều chỉnh thời gian hợp lý cho công việc của công ty, giảm bớt họp hành nhiêu khê và dành thời gian cho nhân viên tập trung làm việc, sẽ giúp tiết kiệm thời gian, giảm stress và tăng năng suất lao động. Cần thể hiện sự quan tâm tới sức khỏe nhân viên, tạo điều kiện cho nhân viên học hỏi và phát triển, khuyến khích hoạt động tập thể.
Những bất ngờ nho nhỏ như vài cốc cà phê hay một chút quà bánh vào giờ nghỉ cũng có thể giúp nhân viên vui vẻ và cảm thấy được trân trọng. Các buổi tiệc nhỏ tổ chức vào ngày lễ hoặc các dịp đặc biệt cũng có thể là dịp để mọi người xích lại gần nhau hơn.
Phòng TV ASOFT.