Nếu được quay ngược thời gian, liệu bạn có còn lựa chọn công việc hiện tại của chính mình?

Giả sử nếu có khả năng quay ngược lại thời gian để thay đổi công việc bạn đang làm, liệu bạn sẽ chọn công việc mới hay vẫn sẽ kiên trì với công việc hiện tại của mình?

Đó là câu hỏi mà tác giả Saen Kim đã đặt ra trong bài viết của mình để bàn luận xoay quanh vấn đề công việc. Tuy đây chỉ là những ý kiến cá nhân, nhưng nó thực sự rất đáng để chúng ta tham khảo, và biết đâu, có ai đó sẽ nhận ra con đường mình đang thực sự đi là gì?

Bởi có lẽ tất cả chúng ta đều đồng ý rằng nếu chúng ta có cơ hội, có lẽ chúng ta đều muốn quay ngược lại thời gian và làm một điều gì đó khác đi một chút.

Chẳng sự nghiệp của ai là hoàn hảo, ít hay nhiều đều sẽ có những lần thất bại, những sai lầm đã từng khiến ta muốn từ bỏ. Nhưng than ôi, việc quay lại thời gian lại là điều không thể, và dù than vãn, nhưng chúng ta vẫn phải cố gắng để bản thân trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Bằng kinh nghiệm đã có, tác giả bài viết đã chỉ ra một số bài học mà cô học được trong quá trình làm việc và cô tin tưởng sẽ giúp chúng ta có định hướng tốt hơn về sự nghiệp của riêng mình. Hãy cùng xem đó là gì nào…

1. Bớt chi tiêu để dành tiền để đầu tư cho việc học tập

Muốn biết khả năng làm việc của bạn đi xa đến đâu thì chỉ cần nhìn vào cách bạn quyết định chi tiêu tiền lương của mình. Bạn sẽ bị cám dỗ bởi những cuộc vui chơi, du lịch quanh năm, những mẫu thiết kế quần áo mới ra, những món ăn ngon không thể bỏ lỡ mà chắc chắn bạn sẽ tốn cả núi tiền cho nó mỗi tháng.

Mặc dù những điều này không hề là những lựa chọn không đúng đắn – bạn xứng đáng được đối xử tốt với bản thân bằng những thứ như vậy – nhưng hãy suy nghĩ về việc cân bằng ở mức lương bạn có để có thể đầu tư cho việc học tập của mình. Kiến thức về công việc, một ngoại ngữ… sẽ không chỉ mang lại cho bạn lợi tức đầu tư lớn ở hiện tại, mà nó còn là điều duy nhất tồn tại theo thời gian.

Có một kỹ năng nhất định có thể áp dụng cho bất kỳ công việc nào, chẳng hạn như kỹ năng giao tiếp, khả năng xây dựng các mối quan hệ, cách sử dụng ứng dụng thông tin, cách quản lý thời gian… Vì vậy, bạn hãy dành số tiền của mình có để đầu tư cho bản thân bằng cách này, học khi còn có thể, học để sau này nhìn lại sẽ không còn cảm thấy tiếc nuối bằng hai từ “giá như”.

Có nhiều cách để bạn lựa chọn đầu tư tiền của mình như tham gia một khóa học, mua những cuốn sách tham khảo, thậm chí là thuê một người gia sư nếu thấy cần thiết.

2. Sức khỏe sẽ là ưu tiên số một

Sức khỏe là nền tảng thúc đẩy mọi thứ trong cuộc sống, kể cả sự nghiệp của bạn. Nó là điều kiện giúp nâng cao sự sáng tạo, năng lượng và khả năng để vượt qua những vấn đề trong công việc và cuộc sống mà bạn sẽ gặp phải.

Đã trong một thời gian quá dài, tác giả bài viết, cô Saen Kim luôn cố gắng làm việc để mong có được một vị trí tốt hơn trong công ty của mình, cô hoàn toàn bỏ bê sức khỏe của mình, cả về tinh thần và thể xác để làm thêm giờ, bỏ bữa, thức đêm… Điều này dẫn đến việc cô sinh hoạt không hề có nguyên tắc, và hậu quả là cô làm việc không hiệu quả trong khi sức khỏe ngày càng sa sút.

Ưu tiên sức khỏe bản thân không chỉ là một nhiệm vụ làm một lần là xong. Nó là cả một quá trình cần được ưu tiên hơn tất cả mọi thứ bạn làm. Điều đó có nghĩa là bạn hãy nhanh chóng lên cho mình một lịch sinh hoạt khoa học, đầu tư mua thực phẩm phù hợp, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc và từ bỏ dần những thói quen xấu.

Một khi có sức khỏe, mọi thứ khác sẽ trở nên dễ dàng hơn. Không có sức khỏe, thậm chí, đến nghĩ thôi bạn cũng không thể.

3. Lập một kế hoạch quản lý thời gian cho bản thân

Cách chúng ta dành thời gian cho công việc và cuộc sống sẽ quyết định chúng ta cuối cùng sẽ làm được những gì cho mình. Trong 30 phút nghỉ ngơi, có thể bạn cảm thấy không nhiều khi dành thời gian lướt Facebook hoặc uống được mấy cốc cà phê, nhưng chừng ấy thời gian cũng đã đủ để hình thành nên một thói quen xấu nếu bạn không tự nghiêm khắc với chính mình.

Quan trọng là bạn làm thế nào để tìm ra một cách quản lý thời gian tốt nhất, chỉ bạn mới hiểu mình và xây dựng được cho mình một khung thời gian hợp lý chứ không một ai có thể làm giúp bạn cả.

Có một gợi ý đơn giản mà tôi thường dùng để quản lý thời gian của mình đó là ghi lại mọi lịch trình làm việc của mình lên cuốn lịch để bàn làm việc. Bằng cách đó, tôi sẽ không quên được những việc cần làm và cân nhắc thời gian làm một cách chính xác hơn.

Chúng ta không phải là người tạo ra và kiểm soát thời gian, nhưng chúng ta có thể tối đa nó để làm việc và học tập để đạt được nhiều thành công hơn.

4. Luôn duy trì mọi mối quan hệ có được

Người bạn gặp ngày hôm nay có thể là người bạn sẽ làm việc cùng trong 2 năm, 5 năm hoặc 10 năm tới. Người đó có thể là một nhân viên mà bạn muốn thuê, một đối tác kinh doanh tiềm năng, hoặc thậm chí là ông chủ tương lai của bạn.

Khi bạn đối xử với mọi mối quan hệ một cách trân trọng và kiên nhẫn, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mình bất ngờ nhận được tin vui bằng một dự án mới, một sự trợ giúp mới từ họ chẳng hạn. Hoặc bạn cũng sẽ có thêm được cho mình những người bạn trong cuộc sống.

Để làm được điều này bạn nên tinh ý chú ý xem những thay đổi, những vấn đề họ gặp phải để thể hiện sự quan tâm đúng lúc hoặc gửi những email duy trì công việc… Bạn cũng có thể dành thời gian để ăn trưa với họ để trao đổi về công việc hoặc tham khảo ý kiến từ họ.

5. Hãy mạnh dạn nghĩ lớn, làm lớn

Một trong những sự hối tiếc tác giả Saen Kim được nghe nhiều nhất từ mọi người là họ đã không dám nghĩ lớn, nghĩ lớn rồi lại không dám làm lớn.

Những gì chúng ta muốn thì chắc chắn sẽ đến nếu chúng ta cho phép bản thân mình đón nhận chúng. Nghĩ lại xem nào, có thể những gì bạn đang có ở hiện tại, có phải 3 năm, 5 năm trước bạn đã từng mơ ước có phải không?

Cho dù bạn đang tìm cách để thăng tiến trong công việc hay tìm một cơ hội nghề nghiệp mới, thì nó đều bắt đầu bằng việc bạn nghĩ lớn gấp nhiều lần hiện tại và nâng cao hơn các tiêu chuẩn của mình.

Ví dụ, tỷ phú là là đồng sáng lập của Paypal Peter Thiel đã đặt ra một câu hỏi mà bạn có thể dùng để hỏi chính mình đó là: “Bạn sẽ làm gì nếu muốn đạt được mụ tiêu 10 năm trong 6 tháng?”.

Gần như không thực tế, có phải bạn đang nghĩ vậy không? Mức độ suy nghĩ này buộc bạn phải vượt qua những giới hạn hiện tại và mạnh dạn tiếp cận mục tiêu với sự tự tin, tham vọng và một ý chí sắt đá.

Còn bạn, bạn sẽ làm gì khác nếu bắt đầu sự nghiệp của mình. Đây thực sự là một gợi ý hữu ích cho các bạn trẻ nếu không muốn sai lầm, không muốn hối tiếc khi bắt đầu sự nghiệp của mình.

THEO TVPL

Đánh giá nội dung

Bình luận