Nước Cộng hòa Somaliland tự xưng ở Đông Phi đang đối mặt nạn mù chữ và nền kinh tế bị nội chiến tàn phá nhưng lại có thể trở thành xã hội đầu tiên trên thế giới giao dịch hoàn toàn không dùng tiền mặt.
Động lực không giống ai
Người dân Somaliland – tách khỏi Somalia do nội chiến vào năm 1991 nhưng đến nay vẫn chưa được cộng đồng quốc tế công nhận – khi mua sắm lúc này chỉ cần cầm lên xem thử hàng, nếu ưng ý thì nhập những con số vào màn hình điện thoại di động.
Không dùng cả tiền mặt lẫn thẻ tín dụng, cách thanh toán kể trên chỉ mất vài giây. “Chúng tôi phải làm mọi thứ thật nhanh chóng mà trả bằng tiền mặt thì chậm lắm” – một người bán hàng tên Omar nói với đài BBC.
Ngày càng có nhiều quốc gia chuyển sang sử dụng phương thức thanh toán không tiền mặt, thế nhưng động lực để Somaliland theo hướng đi này lại không giống ai. Việc “tẩy chay” tiền mặt của Somaliland một phần do đồng tiền chính thức shilling của họ liên tục mất giá. 1 USD hiện đổi được 9.000 shilling trong khi vài năm trước đổi được một nửa.
Tiền mất giá nên chỉ mua vài món tạp hóa cũng phải trả cả xấp, nếu mua nhiều có khi phải dúi một túi nhét đầy tiền giấy vào tay người bán. Những người sống bằng nghề thu đổi ngoại tệ thường phải dùng… xe đẩy để vận chuyển tiền shilling từ con đường này sang đường khác.
Chứng kiến Somaliland không có hệ thống ngân hàng chính thức nào trong lúc máy rút tiền ATM là một khái niệm xa lạ, 2 công ty tư nhân là Zaad (ra đời năm 2009) và e-Dahab đã lấp vào khoảng trống này bằng cách lập ra nền kinh tế ngân hàng di động – nơi tiền được gửi thông qua các công ty và lưu trữ trên điện thoại di động, cho phép người sử dụng mua bán hàng hóa bằng những con số được cá nhân hóa.
“Để mua một trong những món trang sức ở đây, khách hàng cần 1-2 triệu shilling. Nếu trả tiền mặt thì họ không thể nào mang hết nổi trừ khi cho vào một cái túi lớn. Giờ chúng tôi không dùng shilling nữa, chỉ USD hoặc điện thoại di động thôi” – anh Ibrahim Abdulrahman, nhân viên bán hàng tại một cửa hàng trang sức, chia sẻ.
Người nghèo “dễ thở hơn”
Ở một vùng đất có tỉ lệ mù chữ cao như Somaliland, tính đơn giản càng khiến công nghệ trên thịnh hành. Việc thanh toán chỉ đòi hỏi người mua nhập một vài con số và một mã độc nhất được cấp cho người bán. Những mã này có ở mọi nơi, như được viết ngay trên sản phẩm hoặc dán, khắc trên tường của các cửa hàng hay trung tâm mua sắm lớn.
Công nghệ không cần kết nối internet nên ngay cả điện thoại “cục gạch” cũng dùng được. Người dùng sẽ chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng di động của mình sang một tài khoản khác bằng cách nhập số tiền và mã, tương tự việc nạp tiền điện thoại bằng thẻ cào.
Eman Anis, một người bán hàng rong 50 tuổi, chia sẻ: “Dùng điện thoại di động dễ dàng hơn nhiều. Đôi khi cũng có rắc rối với tỉ giá nhưng giờ chúng tôi có thể làm mọi thứ thông qua Zaad. Ngay cả người ăn xin cũng có tài khoản Zaad”. Theo BBC, bà Anis có thể nói hơi quá nhưng cũng không phải là không có cơ sở. Hệ thống thanh toán này không chỉ giúp mọi thứ thuận tiện hơn đối với người mua và người bán mà còn giúp cuộc sống của người nghèo “dễ thở hơn”.
Khi Somaliland bị hạn hán tàn phá năm 2016, công nghệ thanh toán di động giúp người sống ở đô thị nhanh chóng chuyển được tiền về cho người thân ở những vùng nông thôn bị thiếu ăn. Tuy nhiên, không phải ai cũng hài lòng với việc nhanh chóng chia tay tiền mặt.
Đã xuất hiện những phàn nàn về vấn đề tham nhũng và tình trạng thiếu quy định, quản lý khi 2 công ty trên chi phối lĩnh vực ngân hàng di động trong một nền kinh tế còn mong manh. Một vấn đề khác là sự phụ thuộc vào đồng USD của các dịch vụ thanh toán di động ở Somaliland trong lúc những nước khác lại dùng nội tệ.
Những người đổi tiền như anh Mustafa Hassan than thở rằng công nghệ thanh toán di động thịnh hành không chỉ khiến công việc của mình thiệt hại mà còn gây ra lạm phát và góp phần tạo ra một nền kinh tế mini phi pháp. “Chúng tôi hy vọng chính quyền quản lý hoặc chấm dứt hẳn công nghệ này vì đang có nhiều vấn đề. Nó đang bị kiểm soát hoàn toàn bởi 2 công ty cứ như thể họ đang in tiền vậy. Nó đang gây ra lạm phát” – anh Hassan bức xúc trong sự tán thành của những người đổi tiền khác tập trung quanh mình.
Dù vậy, anh Hassan vẫn miễn cưỡng sử dụng hệ thống thanh toán di động. “Người ta có thể chuyển tiền cho tôi một cách dễ dàng. Một xã hội không tiền mặt ở đây hoàn toàn khả thi và nó đang bắt đầu. Nhưng tôi không rõ điều này có ý nghĩa gì đối với những người làm nghề đổi tiền như tôi” – anh nói.
Ngoài ra, một bộ phận người lớn tuổi cũng chưa mặn mà. Một cụ ông tên Abdullah chia sẻ: “Cứ như có một ngân hàng trong điện thoại và nó có thể bị cướp bất cứ lúc nào ấy. Tôi chưa biết mình có chuyển sang thanh toán di động không nữa”.
THEO DNSG