Lãi suất cho vay nhà ở xã hội năm 2017 là 5%

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định mức lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Theo đó, mức lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định áp dụng trong năm 2016 và năm 2017 đối với dư nợ của các khoản cho vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Nghị định 100 là 5%/năm, mức lãi cho vay này tăng 0,2%/năm so với năm ngoái.

Theo nghị định này, người mua, thuê nhà ở xã hội sẽ được vay tối đa 80% giá trị hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.

Những đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã  hội được quy định tại các Khoản 1, 4, 5, 6 và 7 Điều 49 của Luật Nhà ở.

Thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Trường hợp khách hàng có nhu cầu vay với thời hạn thấp hơn thời hạn cho vay tối thiểu thì được thỏa thuận với ngân hàng về thời hạn cho vay thấp hơn.

Khó nhất vẫn là vốn

Tháng 6-2016, gói 30.000 tỉ đồng kết thúc cho vay. Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8%/năm tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định 100, thời hạn cho vay đến hết ngày 31-12-2016.

Tuy nhiên, đến hết thời điểm trên, vẫn không có cá nhân nào được vay, mua nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi 4,8% theo quyết định kể trên.

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) nhiều lần gửi văn bản kiến nghị lên Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan thì cuối cùng mới nhận được câu trả lời từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư rằng, trong quá trình lập kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2016-2020 và kế hoạch năm 2016 với năm 2017, bộ này không nhận được đăng ký nhu cầu vốn để cấp bù lãi suất cho chính sách nhà ở xã hội.

Tháng 12-2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được đề xuất tái cấp vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhưng thời điểm này kế hoạch đầu tư vốn đã được quyết định trước. Trong khi đó, ngân sách dành cho đầu tư phát triển còn khó khăn, nhu cầu chi thường xuyên lớn, nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư không bố trí vốn để Ngân hàng Nhà nước có căn cứ cấp bù lãi suất nhằm thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Ngoài ra, cũng theo quy định tại khoản 2 điều 17 Nghị định 100 thì ngân sách Nhà nước phải cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để cho các đối tượng tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay ưu đãi.

Tương tự, đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa công bố lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại các tổ chức tín dụng trên để cùng thống nhất áp dụng.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội được tổ chức hồi tháng 12-2016, báo cáo từ Bộ Xây dựng thừa nhận, so với mục tiêu phát triển nhà ở xã hội tới năm 2020, Việt Nam mới đạt 28% là do cân đối nguồn vốn ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn, bố trí vốn không đủ theo tiến độ, nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức tới phát triển nhà ở xã hội.

Trong đó khó khăn nhất vẫn là tìm được nguồn vốn hỗ trợ để giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người có nhu cầu về nhà ở được vay nguồn vốn ưu đãi. Hiện nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở chưa đa dạng, thiếu các định chế tài chính tham gia hỗ trợ vốn cho phát triển nhà ở, đặc biệt là hỗ trợ cho người nghèo, người thu nhập thấp vay để mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội hoặc cho các doanh nghiệp vay để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (như Quỹ đầu tư bất động sản, Quỹ phát triển nhà ở, Ngân hàng tiết kiệm nhà ở…).

THEO BCP

Đánh giá nội dung

Bình luận