Thay vì nói “Tôi không biết”, hãy thử 4 cách sau để chứng tỏ bạn là người giao tiếp tốt

 

Hãy nghĩ đến lần gần nhất ai đó hỏi bạn một điều mà bạn không có lời giải. Phần lớn mọi người sẽ phản hồi bằng một câu trả lời vô cùng ngắn gọn: “Tôi không biết”, né tránh cuộc hội thoại đó và tiếp tục làm việc của mình.

Tuy nhiên, tỏ ra phớt lờ và mặc kệ người đối diện với vấn đề của họ có lẽ không phải là một cách giao tiếp hiệu quả. Đương nhiên không ai có quyền đòi hỏi bạn phải tinh thông mọi thứ, nhưng vẫn có những cách giao tiếp khác hiệu quả hơn một câu cụt lủn “Tôi không biết”.

Dưới đây là 4 cách bạn có thể dùng lần tới nếu bạn không có câu trả lời:

1. “Để tôi tìm hiểu xem sao”

Phản hồi này là lựa chọn thay thế hoàn hảo vì một lý do – Nó thể hiện sự ủng hộ và lời cam kết cá nhân của bạn.

Việc phản hồi một câu hỏi với cái nhún vai và vài từ cụt lủn: “Tôi không biết” không những thể hiện bạn không biết câu trả lời, mà còn cho thấy bạn không có thiện chí trong việc nỗ lực giúp người đối diện tìm lời giải đáp.

Ngược lại, việc đảm bảo với người khác bạn sẽ cố gắng tìm hiểu câu trả lời cần thiết sẽ đem lại cảm giác hợp tác, tôn trọng và bạn sẽ được coi là người có tinh thần đồng đội.

2. “Tôi cũng thắc mắc tương tự”

Đôi khi ngoài việc không có câu trả lời, bạn thậm chí bạn còn chẳng biết bắt đầu từ đâu để tìm kiếm lời giải.

Trong những trường hợp đó, bạn nên lồng vào cuộc nói chuyện là bạn cũng đang tìm câu trả lời cho chính câu hỏi đó. Dù nội dung tương tự với câu “Tôi không biết”, cách nói này tốt hơn một bậc bởi nó giúp bạn kết nối với người đối diện.

Nó thể hiện rằng bạn không trốn tránh câu hỏi, mà bạn đồng cảm và sẵn sàng tham gia vào “nhiệm vụ” tìm kiếm câu trả lời.

3. “Tôi đoán là…”

Đôi khi thì đưa ra một lời dự đoán “có tâm” là tất cả những gì bạn có thể làm. Khi đối diện với câu hỏi, bạn cần đưa ngay ra một kết luận nào đó dựa trên thông tin và bằng chứng được cung cấp ngay trước mắt.

Đây là thời điểm bạn cũng nên đưa ra một số giải thích dựa trên những gì mình biết – và đừng quên làm sáng tỏ việc quan điểm đó chỉ là ý kiến cá nhân của bạn. Nên để người nghe hiểu rằng quan điểm của bạn không phải là một điều gì chắc như đinh đóng cột, nhưng ít nhất bạn cũng không né tránh câu hỏi.

Vậy nên cứ chủ động đề xuất một vài suy nghĩ hoặc ý tưởng của bạn. Biết đâu những ý tưởng đó sẽ tạo tiền đề cho những cuộc thảo luận có hiệu quả sau này?

4. “Sao ta không hỏi (ai đó)”?

Bạn nên làm gì khi bạn không phải là người tốt nhất có thể đưa ra câu trả lời?

Đơn giản – hãy thừa nhận đấy không phải lĩnh vực của bạn, nhưng bạn có thể chắc chắn tìm được người giải đáp cho câu hỏi đó. Có thể bạn sẽ cảm giác như mình đang đá quả bóng trách nhiệm sang người khác, nhưng về lâu dài, đấy là điều tốt nhất bạn có thể làm: chuyển vấn đề cho người có khả năng giải quyết tốt nhất. Điều này sẽ tăng hiệu quả công việc của tất cả mọi người.

“Tôi không biết” là câu bạn dễ buột miệng nói ra nhất, thậm chí là trong vô thức. Tuy nhiên, có nhiều cách tốt hơn để bạn có thể áp dụng. Hãy thử 4 cách trên và nâng kĩ năng giao tiếp của mình lên một “level” cao hơn xem sao nhé!

Theo DNSG

Đánh giá nội dung

Bình luận