Nghị định này quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH) và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì bị xử phạt theo hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Căn cứ tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung.
Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng xảy ra trước ngày 15/4/2020 mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy định về xử phạt quy định tại Nghị định này nếu Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy đinh trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn cho các cá nhân, tổ chức vi phạm.
Cụ thể, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với người sử dụng lao động áp dụng nhiều hình thức kỷ luật lao động đối với 01 hành vi vi phạm kỷ luật lao động (điểm d khoản 3 Điều 18);
Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với người sử dụng lao động sử dụng người dưới 15 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm (điểm c khoản 2 Điều 28);
Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật để người lao động tự lo bảo hiểm (điểm b khoản 2 Điều 29);
Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không báo cho người lao động trước 03 ngày làm việc hoặc không thông báo rõ thời hạn làm tạm thời hoặc bố trí công việc không phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động;
Phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 01 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi, hằng năm, không niêm yết công khai thông tin đóng BHXH cho người lao động do cơ quan BHXH cung cấp theo quy định tại khoản 7 Điều 23 Luật BHXH (điểm a khoản 2 Điều 38).
Đặc biệt, đối với người sử dụng lao động có hành vi cưỡng bức lao động, ngược đãi người lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ xử phạt tiền từ 50-75 triệu đồng
Nghị định cũng quy định mức phạt đối với vi phạm quy định về giao kết hợp đồng. Cụ thể, phạt tiền từ 2-25 triệu đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động trong trường hợp thuê người lao động làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước không theo quy định của pháp luật.
Phạt tiền từ 20-25 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động; buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động.
Tham khảo Tapchitaichinh.