1. Sửa đổi hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng
Thông tư 22/2017/TT-NHNN về sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng (TCTD) bắt đầu có hiệu thi hành kể từ ngày 01/4/2018.
Theo đó, sẽ có 7 tài khoản thuộc Mục II – Hệ thống tài khoản kế toán được sửa đổi là 20; 41; 275; 387; 419; 994; 996 và bổ sung 2 tài khoản cấp III như sau:
– Tài khoản 9823 – lãi cho vay theo hợp đồng vốn thuộc tài khoản 982 (cho vay theo hợp đồng vốn).
– Tài khoản 9833 – lãi hoạt động cấp tín dụng theo hợp đồng nhận ủy thác thuộc tài khoản 983 (cấp tín dụng theo hợp đồng nhận ủy thác).
Ngoài ra, vấn đề hạch toán các nghiệp vụ liên quan đến ngoại tệ và vàng sửa đổi nội dung: Vàng tại TCTD được hạch toán tương tự như ngoại tệ (vàng được coi là một loại ngoại tệ), đơn vị là “chỉ” vàng 99,99%.
2. Ngày 02/4/2018: Hạn chót nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân năm 2017.
3. Ngày 20/4/2018: Hạn chót nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng tháng 3/2018.
4. Ngày 20/4/2018: Hạn chót nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân tháng 3/2018 (nếu có).
5. Ngày 20/4/2018: Hạn chót nộp tiền thuế giá trị gia tăng & thu nhập cá nhân của tháng 3/2018 (nếu có).
6. Một số hướng dẫn mới về nghiệp vụ kế toán
Ngày 27/4/2018, một số hướng dẫn kế toán chứng quyền có bảo đảm đối với công ty chứng khoán là tổ chức phát hành ban hành kèm theo Thông tư 23/2018/TT-BTC bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo đó, đề cập cụ thể đến một số tài khoản hạch toán nghiệp vụ kế toán liên quan đến chứng quyền như sau:
– Tài khoản 329 – Phải trả chứng quyền: Tài khoản này dùng để phản ánh số phải trả chứng quyền hiện có và tình hình biến động của tài khoản phải trả chứng quyền do đánh giá lại chứng quyền theo giá thị trường;
– Mở tài khoản chi tiết của Tài khoản 112 – Tiền gửi ngân hàng để theo dõi tiền bảo đảm thanh toán tại ngân hàng lưu ký trước khi chào bán chứng quyền, tiền gửi tại tài khoản phong tỏa (tiền bán chứng quyền khi phân phối trên thị trường sơ cấp) và tiền gửi tại tài khoản tự doanh (để thực hiện phòng ngừa rủi ro theo yêu cầu của Sở Giao dịch chứng khoán);
-Tài khoản 018 – Chứng quyền (mở chi tiết theo từng loại chứng quyền)
ác loại hình tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan
7. Theo Nghị định 22/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 10/4/2018) về hướng dẫn Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm:
– Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật về doanh nghiệp.
– Hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo pháp luật về hợp tác xã.
– Đơn vị sự nghiệp.
– Các tổ chức hành nghề luật sư được thành lập và hoạt động theo pháp luật về luật sư, trừ:
+ Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài;
+ Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một trăm phần trăm vốn nước ngoài;
+ Công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh giữa tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam và tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài.
8. Các trường hợp tổ chức tín dụng giải ngân vốn cho vay bằng tiền mặt
Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư 21/2017/TT-NHNN về quy định phương thức giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Theo đó, tổ chức tín dụng được xem xét quyết định giải ngân vốn cho vay bằng tiền mặt trong các trường hợp:
– Khách hàng thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng (không bao gồm pháp nhân) không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;
– Khách hàng là bên thụ hưởng (không bao gồm pháp nhân) đáp ứng các điều kiện dưới đây:
+ Không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;
+ Đã ứng vốn tự có để thanh toán, chi trả các chi phí thuộc chính phương án, dự án kinh doanh hoặc phương án, dự án phục vụ đời sống được tổ chức tín dụng cho vay quyết định cho vay theo quy định của pháp luật.
Khách hàng phải gửi cho tổ chức tín dụng cho vay văn bản cam kết của bên thụ hưởng về việc bên thụ hưởng không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Xem thêm các phương thức giải ngân vốn cho vay khác tại Thông tư 21/2017/TT-NHNN (có hiệu lực từ ngày 02/4/2018).
9. Trách nhiệm báo cáo công tác bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất ngành xây dựng
Từ ngày 01/4/2018, Thông tư 02/2018/TT-BXD quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình và chế độ báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành Xây dựng bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, quy định các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất sản phẩm cơ khí xây dựng có trách nhiệm báo cáo công tác bảo vệ môi trường như sau:
– Lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường theo mẫu tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này định kỳ 01 lần/năm và gửi về Sở Xây dựng trước ngày 31/12 hàng năm.
– Cập nhật và lưu trữ các thông tin, dữ liệu của báo cáo công tác bảo vệ môi trường tại địa chỉ trang thông tin điện tử: http://dulieumoitruong.xaydung.gov.vn.
10. Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới trong lĩnh vực giao thông đường bộ
Thông tư 31/2017/TT-BGTVT (có hiệu lực từ ngày 01/4/2018) ban hành một số quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới về phụ tùng của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, cụ thể:
– Quy chuẩn số QCVN 32:2017/BGTVT về kính an toàn của xe ô tô.
– Quy chuẩn số QCVN 34:2017/BGTVT về lốp hơi của xe ô tô.
– Quy chuẩn số QCVN 35:2017/BGTVT về đặc tính quang học đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ
Đồng thời, Thông tư này cũng bãi bỏ khoản 1, 3 Điều 1 Thông tư 57/2011/TT-BGTVT và khoản 1 Điều 1 Thông tư 39/2010/TT-BGTVT.
THEO TVPL