10 nhầm lẫn thường gặp về thương mại điện tử

1. Bàn bạc về TMÐT nhằm chạy theo ‘mốt’.

Không phải. Mà vì TMĐT sẽ có tác động lớn, thậm chí thay đổi phương thức kinh doanh truyền thống. Tìm hiểu và từng bước áp dụng TMĐT ngay từ bây giờ là nhận thức cần thiết của bất kỳ nhà kinh doanh khôn ngoan nào nhằm ‘mài sắc’ lợi thế và nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN). Những người quay lưng lại với TMĐT, mặc dù doanh thu từ hoạt động kinh doanh theo phương thức truyền thống không bị sụt giảm, sẽ tự đánh mất cơ hội tăng doanh số và bị tụt hậu so với những đối thủ biết khai thác thế mạnh từ TMĐT.

2. TMĐT phải có đủ các công đoạn: chào hàng, hợp đồng, giao hàng, thanh toán qua mạng.

Không nhất thiết. Nếu áp dụng được cả 4 công đoạn trên, DN sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện cơ sở vật chất và tập quán kinh doanh mà DN có thể áp dụng một hoặc vài giai đoạn.

3. Khó khăn lớn nhất để lập website là kinh phí.

Kinh phí và công nghệ không phải là vấn đề lớn Một website đơn giản chỉ cần vài trang cũng giới thiệu được DN hay sản phẩm. Chỉ cần nắm kiến thức tin học văn phòng là có thể tạo ra được. Một website phức tạp, quy mô đồ sộ, đồ họa trau chuốt sẽ cần phải nhờ đến các công ty tin học thiết kế và xây dựng. Với DN, chi phí thực hiện website hoàn toàn chấp nhận được.

Vấn đề là định hướng và thiết kế website. Tiếp đó là duy trì nội dung phong phú, cập nhật để lôi cuốn khách hàng. Cuối cùng, cần quảng bá để website thực sự có tác dụng thu hút khách hàng, trở thành kênh tiếp thị đắc lực cho DN.

4. Có website rồi thì không cần quảng bá trên các phương tiện khác.

Không đúng. Những phương tiện quảng bá khác vẫn có lợi thế nhất định so với website. Ví dụ truyền hình là phương tiện có khả năng gây ấn tượng và thu hút một số lượng lớn người xem tại một thời điểm nhất định. Quảng cáo trên báo viết, thông tin về DN sẽ đến được với những đối tượng ít tiếp xúc với Internet.

Do vậy, tùy đặc tính của mặt hàng, đối tượng người dùng, ngân sách mà người phụ trách tiếp thị của DN phải cân nhắc, phân bổ tỷ lệ quảng cáo trên website và các phương tiện khác cho thích hợp.Tương tự, ngay cả khi đã có website riêng, DN vẫn nên tính đến việc quảng cáo trên website khác, đặc biệt là trên các báo điện tử, để tăng thêm hiệu quả.

5. Trong thời đại TMĐT, cửa hàng sẽ không còn tồn tại.

Không phải. Thói quen mua sắm tại cửa hàng không dễ thay đổi. Người ta vẫn có nhu cầu đến cửa hàng để ‘xem tận mặt, bắt tận tay’ các món hàng cụ thể hoặc để lựa chọn, trả giá cho đến khi mua được món hàng yêu thích. Chưa kể với nhiều người, mua sắm tại cửa hàng còn là một thú vui, một hoạt động giải trí.

Có những giao dịch đặc thù cần các bên mua bán phải gặp gỡ, trao đổi, thương thuyết trực tiếp. Ví dụ những hợp đồng xây dựng công trình, hợp đồng tư vấn lớn và dài hạn… Tóm lại, TMĐT chỉ giúp mở rộng quy mô mua bán, tăng thêm số cửa hàng cho DN (bên cạnh các cửa hàng thật còn có thêm cửa hàng ảo), chứ không vì TMĐT mà các cửa hàng sẽ đóng cửa.

6. Không có thẻ tín dụng, không thể giao dịch TMĐT.

Vẫn có thể thanh toán hàng hoá mua qua mạng bằng các cách khác:

• Chuyển tiền qua bưu điện (thư chuyển tiền, điện chuyển tiền).

• Chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng (nộp tiền vào tài khoản người bán, chuyển tiền từ tài khoản người mua vào tài khoản người bán).

• Trao tiền mặt khi nhận hàng (đối với trường hợp người bán tự giao hàng).

Hiện nay, thủ tục mở tài khoản ở các ngân hàng rất đơn giản. Không chỉ DN (pháp nhân) mà cả cá nhân cũng được mở tài khoản. Nếu bạn có ý định bán hàng qua mạng hoặc thường xuyên mua hàng qua mạng thì nên mở tài khoản tại ngân hàng.

7. Thẻ ATM chỉ để rút tiền.

Không đúng. Nhiều người vẫn tưởng tác dụng chính của thẻ ATM là để rút tiền. Thực ra không phải như vậy. Thẻ ATM (cũng như các thẻ thanh toán khác) dùng để thanh toán trực tiếp qua máy thanh toán tiền bằng thẻ đặt tại các cửa hàng, siêu thị, bưu điện, khách sạn… Khi cần thanh toán, thay vì đưa tiền mặt, bạn có thể dùng thẻ. Thanh toán không dùng tiền mặt như vậy tạo thuận lợi cho cả người mua và người bán. Bạn còn có thể dùng thẻ ATM thực hiện một số giao dịch khác ngay tại máy ATM như chuyển tiền từ tài khoản này sang tài khoản khác (chuyển khoản), thanh toán hóa đơn, xem số dư và chi tiết giao dịch của tài khoản…

8. Luật TMĐT chỉ quy định trách nhiệm của người bán và mua.

Chưa đủ. Do các bên tham gia giao dịch điện tử không gặp nhau trực tiếp nên giao dịch chỉ có thể thực hiện được với sự tham gia của bên thứ ba. Bên thứ ba trong TMĐT là nhà cung cấp dịch vụ mạng, dịch vụ web, thư điện tử, dịch vụ chứng thực.

Nhiều vấn đề pháp lý phát sinh trong TMĐT có liên quan đến các bên thứ ba như thông tin bị thay đổi, sai lệch, giả mạo, thông tin không đến hoặc đến chậm… do vậy trách nhiệm của các bên thứ ba này cần được ràng buộc bằng những điều khoản cụ thể trong các văn bản pháp lý.

9. Trong giao dịch TMĐT, thông tin luôn cần phải mã hóa.

Không nhất thiết. Trong thực tế, không phải giao dịch nào cũng phải có văn bản điện tử an toàn. Do quan hệ quen biết, do lòng tin của các bên, do trị giá giao dịch thấp, các bên giao dịch vẫn thường trao đổi văn bản điện tử không cần mã hóa như thư điện tử, tệp Word, tệp Excel bình thường.

10. Phải sửa đổi toàn bộ hệ thống luật pháp để công nhận tính pháp lý của các giao dịch điện tử.

Không cần thiết. Chỉ cần thêm một sắc luật công nhận có thể xuất trình thông tin dưới dạng văn bản điện tử thay thế văn bản giấy.

THEO PCW

 

Đánh giá nội dung

Bình luận