Điện toán đám mây/Cloud Computing là gì và vì sao mọi người lại nhắc về nó?
Nói một cách đơn giản, điện toán đám mây là mạng internet. Điện toán truyền thống bắt buộc người dùng chạy chương trình thông qua một máy chủ hoặc một máy tính cá nhân được đặt trong phạm vi gần, chẳng hạn như trong cùng một tòa nhà. Với điện toán đám mây, tất cả các hoạt động đều xảy ra trong ‘đám mây’, hay còn được gọi là internet.
Mức độ phổ biến của điện toán đám mây đang tăng với một tốc độ chóng mặt, làm thay đổi triệt để cách thức kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong một cuộc khảo sát gần đây thực hiện trên 1800 chuyên gia IT, kết quả cho thấy nhu cầu áp dụng điện toán đám mây khi thiết lập các ứng dụng và dịch vụ mới chiếm 52%.
Nhu cầu chuyển giao giữa điện toán truyền thống sang hệ thống mới giữa doanh nghiệp nhỏ và lớn ngang ngửa nhau, và còn có chiều hướng gia tăng mạnh ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ do khả năng tiết kiệm chi phí của điện toán đám mây.
Tất nhiên không thể không nhắc đến những lo ngại liên quan đến độ tin cậy và tính xác thực của sản phẩm hoặc dịch vụ được cung cấp thông qua điện toán đám mây, cụ thể là các vấn đề bảo mật thông tin và bản quyền. Tuy nhiên, điện toán đám mây không ngừng phát triển, đi kèm với việc mạnh tay giảm giá khiến cho cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày một khốc liệt hơn.
Ích lợi của việc áp dụng điện toán đám mây
Điện toán đám mây ngày càng trở nên phổ biến với tốc độ đáng kinh ngạc. Sự chuyển giao giữa hệ thống cũ sang hệ thống mới này hoàn toàn không nằm ngoài xu thế tiến bộ chung. Những doanh nghiệp không đi kịp trào lưu sẽ phải đối diện với nguy cơ bị đào thải. Vậy thì điện toán đám mây đem đến lợi ích gì cho các doanh nghiệp?
1. Tiết kiệm chi phí
Với điện toán đám mây, doanh nghiệp có thể giảm thiểu hoặc cắt giảm hoàn toàn vốn đầu tư ban đầu vì không cần trung tâm dữ liệu tại chỗ (không lắp đặt máy chủ, phần cứng, phần mềm, khấu hao thiết bị, v.v… ). Thêm vào đó, điện năng sử dụng trong vận hành và làm mát máy chủ cũng giảm, góp phần tăng tính thân thiện với môi trường.
Với việc giảm thiểu vốn đầu tư, không đòi hỏi lắp đặt và duy trì trung tâm dữ liệu tại chỗ, chi phí có thể được dùng cho những dự án cần kíp khác và doanh nghiệp cũng sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung vào các hoạt động kinh doanh chính.
2. Truy cập tức thì mọi lúc mọi nơi
Dữ liệu dễ dàng được lưu trữ, tải về, phục hồi, hoặc xử lý chỉ với một vài cú nhấp chuột. Người dùng có thể truy cập vào tài khoản ngay khi đang di chuyển, 24/7, thông qua bất kỳ thiết bị nào, ở bất kỳ nơi nào trên thế giới miễn là bạn vẫn đang kết nối với internet. Trên hết, tất cả các nâng cấp và cập nhật được thực hiện một cách tự động, do đó tiết kiệm khá nhiều thời gian và nỗ lực để duy trì hệ thống, giảm đáng kể khối lượng công việc cho nhóm IT.
3. Khả năng biến đổi vô tận
Ứng dụng của điện toán đám mây vô cùng phong phú, thường sẽ được phân loại theo tính năng và thuộc một trong ba loại hình dịch vụ sau:
Phần mềm như một dịch vụ (SaaS).
Cơ sở hạ tầng như một dịch vụ (IaaS).
Nền tảng như một dịch vụ (PaaS).
Người dùng còn có thể tùy chọn tạo mô hình đám mây riêng, công cộng hoặc kết hợp (hybrid), hoặc tùy chọn để quyết định vị trí của trung tâm dữ liệu ảo của bạn. Điện toán đám mây đem đến vô vàn ứng dụng, biến đổi vô tận tùy theo ngân sách của doanh nghiệp.
4. Khả năng thích ứng
Bên cạnh tính năng biến hóa vô tận, điện toán đám mây còn có thể thích ứng với bất kỳ thay đổi nào. Ví dụ, doanh nghiệp có thể lựa chọn gia tăng lượng hỗ trợ người dùng trang web từ 2.000 lên đến 10.000 người một ngày trong đợt khuyến mãi Giáng Sinh.
Ở một ví dụ khác, doanh nghiệp hoàn toàn tự do chuyển đổi từ mạng riêng sang mạng kết hợp, hoặc tạm thời mở rộng dung lượng lưu trữ, điện toán đám mây có thể làm tất cả một cách suôn sẻ, đáp ứng mọi nhu cầu của bạn.
5. Hợp tác bền vững, không xáo trộn
Một tình trạng xảy ra khá phổ biến là bạn bị mất phương hướng khi đang theo dõi một dự án. Lý do là vì sau nhiều lần gửi file trao đổi qua lại, cuộc thảo luận trở nên hỗn loạn, file đã qua nhiều lần chỉnh sửa đến nỗi không còn ai nhận ra đâu là thành phẩm.
Với điện toán đám mây, file được tập trung lưu trữ cố định và nhất quán, truy cập ở bất kỳ đâu, tạo nên một không gian ảo nơi mà mọi người trực tiếp thảo luận, cùng chia sẻ một file và nhận được phản hồi tức thì. Điều này khiến cho năng suất làm việc được cải thiện rõ rệt, giảm thiểu tối đa rắc rối, gia tăng mức độ hài lòng của khách hàng, và nhiều hơn thế nữa.
6. An toàn dữ liệu
Như đã đề cập ở trên, một trong những mối lo ngại khi sử dụng điện toán đám mây là việc an toàn và bảo mật thông tin. Các nhà cung cấp dịch vụ phải luôn đảm bảo rằng hệ thống bảo vệ được cập nhật liên tục và cùng lúc với tất cả các tính năng mới thông qua việc kiểm định chặt chẽ. Tất cả các hoạt động trên đám mây sẽ được bên thứ ba giám sát và kiểm tra thường xuyên để đảm bảo rằng các tiêu chuẩn an toàn được đáp ứng.
7. Bắt kịp xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0
Tầm ảnh hưởng của điện toán đám mây ngày một gia tăng và không có dấu hiệu kết thúc. Đáng chú ý là cả doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các doanh nghiệp đa quốc gia đều có nhu cầu sử dụng và chuyển giao sang điện toán đám mây. Với những ưu điểm như dịch vụ nhanh chóng, tiết kiệm chi phí và thời gian, thân thiện với môi trường đồng thời đem đến môi trường hợp tác bền vững, việc áp dụng điện toán đám mây sẽ giúp thúc đẩy công ty của bạn tiến xa hơn những người vẫn đang phục thuộc nhiều vào loại hình truyền thống.
PTK ASOFT.