Cách đây vài năm, bà cùng các đồng nghiệp được mời tham gia dự đoán kết quả của một cuộc thi thuyết trình của các startup tại Vienna (Áo) – nơi hội tụ 2.500 doanh nhân startup cùng cạnh tranh để đạt được phần thưởng là vốn hỗ trợ trị giá hàng ngàn euro. Thay vì quan tâm đến ý tưởng của các bài thuyết trình, họ quan sát ngôn ngữ cơ thể và những phản ứng tinh vi của ban giám khảo trong quá trình lắng nghe. Và họ đã dự đoán chính xác startup giành chiến thắng trước khi kết quả chính thức được công bố, mang đến sự ngạc nhiên thú vị cho tất cả mọi người trong khán phòng.
2 năm sau, họ lại được mời đến sự kiện đó một lần nữa, nhưng lần này là để quan sát các thí sinh. Nhiệm vụ của họ ở lần này không phải nhằm dự đoán người chiến thắng, mà để xác định cách mà sự tương tác không lời góp phần tạo nên thành công hay thất bại. Cụ thể, họ đánh giá các startup theo thang điểm 0 – 15, với điểm cộng khi có các ngôn ngữ cơ thể tích cực và điểm trừ trong trường hợp ngược lại.
Kết quả là, những startup nằm trong top 8 theo đánh giá của ban giám khảo có điểm trung bình là 8,3/15, trong khi những người nằm ngoài top 8 có thang điểm trung bình là 5,5/15. Điều này cho thấy, ngôn ngữ cơ thể tích cực có mối tương quan chặt chẽ với sự thành công.
Không những thế, dựa vào việc phân tích quá trình tương tác không lời của người dân trong các cuộc khảo sát, Kasia Wezowski và đội ngũ của bà cũng đã dự đoán chính xác kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2012 và 2 cuộc bầu cử khác ở châu Âu (ở thời điểm 2 tuần trước ngày bầu cử).
“Dĩ nhiên kết quả các cuộc bầu cử này không chỉ phụ thuộc vào ngôn ngữ cơ thể. Kết quả phần thuyết trình của các startup cũng vậy. Nhưng sự giao tiếp qua biểu hiện khuôn mặt và chuyển động của cơ thể có liên quan đến sự thành công”, Kasia Wezowski cho biết trong một bài viết trên Harvard Business Review.
Trung tâm Ngôn ngữ cơ thể đã nghiên cứu nhiều nhà lãnh đạo thành công trên nhiều lĩnh vực và đã xác định được một số cử chỉ ngôn ngữ cơ thể giúp tăng cường sự tự tin và tăng cường hiệu quả thuyết phục người nghe, theo Kasia Wezowski. Đó là:
1. Nguyên tắc cái hộp
Lúc mới bắt đầu tham gia vào chính trường, trong quá trình thực hiện các bài diễn thuyết, Bill Clinton thường nhấn mạnh quan điểm bằng những cử chỉ tay ở phạm vi quá rộng. Để giúp Bill Clinton kiểm soát được ngôn ngữ cơ thể, các cố vấn đã khuyên ông hãy tưởng tượng có một chiếc hộp trước bụng và ngực, rồi sau đó thực hiện các cử chỉ tay gói gọn trong phạm vi đó.
Kể từ đó, “chiếc hộp Clinton” đã trở thành một thuật ngữ phổ biến trong lĩnh vực ngôn ngữ cơ thể.
2. Nguyên tắc giữ quả bóng
Cử chỉ mô phỏng hành động như khi đang cầm một quả bóng rổ giữa 2 bàn tay là một dấu chỉ cho thấy sự tự tin và kiểm soát tốt, như thể bạn thực sự đang nắm giữ sự thật trên tay mình.
Steve Jobs thường xuyên áp dụng cách làm này trong các bài phát biểu.
3. Tay tạo thành hình kim tự tháp
Khi một người lo lắng, đôi tay họ thường xoa vào nhau và khó thể được giữ yên. Khi họ tự tin cũng vậy. Do đó, cách đơn giản nhất là đặt 2 tay lại như hình kim tự tháp trong một tư thế thoải mái.
Nhiều nhà điều hành doanh nghiệp hay thực hiện tư thế này. Nhưng một điều cần lưu ý là tránh lạm dụng hoặc kết hợp nó với một thái độ kiêu ngạo, tự mãn trên gương mặt. Hãy biểu hiện sự thoải mái, không phải sự tự mãn.
4. Dáng đứng rộng
Cách đứng là một chỉ số quan trọng cho thấy cách tư duy của một người. Đứng với tư thế vững chắc và kiên định, với đôi chân giang rộng khoảng bằng vai, cho thấy bạn đang cảm thấy mọi thứ nằm trong tầm kiểm soát.
5. Hai bàn tay ngửa lên
Cử chỉ này cho thấy sự cởi mở và trung thực.
Oprah Winfrey thường xuyên sử dụng cử chỉ này trong các bài phát biểu. Nó cho thấy Oprah là một người có sức ảnh hưởng nhưng cũng sẵn sàng kết nối chân thành với người khác, có thể là một người đối diện hoặc đám đông hàng ngàn người đang lắng nghe bà.
6. Hai bàn tay úp xuống
Cử chỉ ngược lại cũng thể hiện sự tích cực, là dấu hiệu của sự mạnh mẽ, quyền lực và quyết đoán. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thường sử dụng nó để làm đám đông dịu lại sau những khoảnh khắc quá hào hứng.
Gợi ý:
Hãy cố gắng quay video lại một phần thuyết trình của mình. Sau đó mở video ra xem và tắt âm thanh đi, chỉ tập trung vào ngôn ngữ cơ thể. Tư thế đứng và điệu bộ của bạn như thế nào? Bạn có sử dụng bất kỳ tư thế nào được gợi ý ở trên không? Nếu không, hãy nghĩ cách áp dụng chúng vào lần trò chuyện trước đám đông tiếp theo, hoặc thậm chí là trong các buổi nói chuyện với sếp hoặc khách hàng lớn. Hãy thực hành trước gương, sau đó với bạn bè, cho đến khi hoàn toàn thành thục một cách tự nhiên.
Theo DNSG