10 thói quen có thể giúp bạn học mọi thứ nhanh gấp đôi

Với những tiến bộ, đột phá về khoa học, công nghệ đang diễn ra nhanh như vũ bão, những gì được coi là hot cách đây 1 năm đã có thể trở nên lạc hậu ở thời điểm hiện tại.

Để liên tục theo kịp được những thay đổi chóng vánh của thế giới, bạn cũng cần phải tăng tốc độ học hỏi của mình. Một trong những chiến lược khiến mình trở nên cạnh tranh hơn trong thị trường lao động ngày một đòi hỏi cao hơn hiện nay là phát triển những thói quen có thể giúp bạn học các kỹ năng mới nhanh chóng hơn. Dưới đây là 10 thói quen được gợi ý để bạn đạt được điều này.

1. Luyện kỹ năng đọc nhanh

Hầu hết các doanh nhân thành đạt đều có một điểm chung là đọc rất nhiều sách và biến nó thành thói quen cố định hàng ngày. Ví dụ rõ ràng nhất là Warren Buffett với việc dành phần lớn thời gian trong ngày của ông vào đọc sách và tài liệu.

Tốc độ đọc trung bình của con người là khoảng 200-400 từ mỗi phút. Thế nhưng các chuyên gia đọc nhanh có thể lướt tới 1000-7000 từ/phút. Không khó để tưởng tượng ra được những lợi ích lớn lao của khả năng đọc nhanh.

Đọc nhanh không nghĩa là đọc thoáng qua để rồi quên hết mọi thứ. Nó bao gồm rất nhiều kỹ năng như phân cụm, phân đoạn (đọc theo cụm nhiều từ chứ không đọc từng chữ một), giảm thiểu việc đọc thành tiếng trong đầu (sẽ làm cản trở tốc độ đọc của bạn), khả năng đọc lướt lấy thông tin cũng như khả năng sử dụng một công cụ (như bút) để dẫn ánh mắt qua các đoạn bạn đọc.

Đề có thể đọc nhanh và hiệu quả, bạn cũng phải rèn luyện nhiều nhưng kết quả sau đó cũng cực kỳ đáng giá. Bạn có thể sử dụng một số ứng dụng hỗ trợ rèn luyện đọc nhanh như Spreeder (miễn phí) cho phép bạn tha hồ tùy chọn tốc độ đọc muốn luyện tập.

2. Kiểm soát môi trường học

Bạn có bao giờ để ý rằng luôn có một số khoảng thời gian trong ngày bạn học rất vào nhưng cũng có những khoảng thời gian bạn ngồi mãi cũng chẳng ngấm được gì? Cơ thể mỗi người đều có nhịp sinh học riêng, do đó những khoảng thời gian đạt đến đỉnh điểm năng suất cũng khác nhau. Hãy chú ý khung giờ bạn có thể làm việc hiệu quả nhất (có thể là sáng sớm hay nửa đêm) để sắp xếp thời gian học phù hợp.

Trạng thái cảm xúc cũng có ảnh hưởng ít nhiều đến việc học. Lo lắng hay stress sẽ làm giảm khả năng sáng tạo và linh hoạt của bạn. Chính vì vậy, hãy đặt bản thân vào một môi trường dễ chịu, trong lành và thoài mái trước khi bắt tay vào học.

Một số nghiên cứu cũng từng chứng minh rằng nhiệt độ phòng học cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng học của chúng ta. Nhiệt độ phòng lý tưởng được khuyên để học là ở mức 22-27 độ C.

3. Ghi chép

Hoạt động ghi chép giúp não bộ phân tích và tổng hợp lại những thứ chúng ta đang học. Việc ghi chép cũng giúp não bộ hồi tưởng lại các thông tin đã tiếp nhận, yếu tố vô cùng quan trọng trong việc học bất cứ thứ gì.

Nghiên cứu chỉ ra rằng ghi chép bằng bàn phím máy tính không giúp sinh viên nhớ được nhiều thông tin bằng việc viết tay. Viết tay thường chậm hơn gõ máy nhưng nó khiến chúng ta phải đưa ra đánh giá một cách nhanh chóng về các thông tin vừa được nghe. Ngược lại, khi gõ máy, chúng ta ít khi nghĩ về những điều này mà thường chỉ copy lại chúng một cách máy móc.

Như vậy, để tăng tốc độ học, bạn hãy cố gắng viết tay những điều quan trọng ra giấy. Những ứng dụng ghi chú đám mây như Evernote (miễn phí với gói cơ bản) rất hữu ích trong trường hợp này. Evernote không chỉ cho phép bạn đồng bộ các nội dung gõ máy lên tất cả các thiết bị và nền tảng mà còn có thể scan các bản viết tay để lưu trữ lâu dài.

4. Kết hợp nhiều phương pháp học khác nhau

Kết hợp đa dạng nhiều phương pháp học (như hình ảnh, đọc, viết và cảm xúc/vận động – hay còn gọi là mô hình VARK) nhau có thể thúc đẩy hứng thú của người học. Nếu bạn là người học thiên về thị giác, hãy vẽ thật nhiều hình ảnh, sơ đồ tư duy hay PowerPoint để kích thích bản thân. Nếu bạn học tốt nhất khi được lắng nghe, hãy lên mạng tìm các podcast (tương tự như blog, bản tin nhưng ở dạng audio), các bài phỏng vấn hay các audiobook (bạn cũng có thể tìm được chúng qua các ứng dụng như Podcasts trên iOS hay Stitcher trên Android) về nghiền. Nếu bạn thích học kiểu tiếp xúc, vận động trực tiếp thì còn chờ gì mà không nhúng tay làm thứ gì đó mới học (hoặc đôi khi là tìm hiểu những thứ liên quan)?

Một khi đã hiểu rõ phương thức có thể khiến mình học tốt nhất, bạn có thể tăng tốc độ học của bản thân bằng cách áp dụng chúng nhiều hơn.

Thế nhưng tốt nhất là hãy kết hợp linh hoạt nhiều phương pháp lại với nhau. Chẳng hạn nếu bạn đang học kỹ năng code qua một bài viết, hãy đọc to nó ra và tưởng tượng trong đầu sơ bộ cách bạn sẽ làm nó ra sao rồi áp dụng ngay vào xây dựng website/ứng dụng của chính mình.

5. Tạo các hình ảnh liên tưởng trong đầu

Bạn có thể rút ngắn thời gian học bằng cách tạo ra những hình ảnh liên tưởng những thứ mới học đến những thứ bạn đã biết. Những kỹ thuật này bao gồm cả việc sử dụng từ viết tắt, từ đồng âm hay những sự vật liên quan có thể giúp có bạn nhớ được các thông tin đang học. Liên tưởng những gì đang cày với những thứ hài hước cũng là thủ thuật không tồi chút nào.

6. Thường xuyên luyện tập não bộ

Não bộ của bạn cũng như cơ thể thôi – luyện tập nhiều mới khỏe và hiệu quả. Hãy học những thứ mới, thậm chí cả những thứ từng rất xa lạ với bạn, đặt ra những thách thức mới cho chính mình hay thậm chí là chơi những game trí tuệ như Elevate, Peak hay Lumosity (đều có sẵn trên iOS và Android) để nâng cao khả năng tập trung, ghi nhớ hay tốc độ tư duy. Càng luyện tập nhiều, não bộ của bạn sẽ càng tiếp thu nhanh hơn.

7. Nghe nhạc kích thích trạng thái alpha trong não

Con người có 4 loại sóng não là alpha, beta, theta và delta. Trong số này, trạng thái alpha (thường dao động trong khoảng 8-13 Hz) chính là lúc sự tập trung và khả năng học tập của chúng ta dễ đạt đến đỉnh điểm nhất.

Điều tuyệt vời là bạn có thể giúp não bộ đi vào trạng thái alpha bằng cách lắng nghe những bản nhạc có beat rơi vào khoảng 8-13 Hz (chẳng hạn như nhạc baroque – thể loại nhạc cổ điển của các nhà soạn nhạc như Bach, Vivaldi,…) khi học. Cố gắng tránh xa nhạc có lời bởi chúng có thể khiến bạn mất tập trung.

8. Chuyển cách học sau mỗi 6 tiếng

Tác giả Malcolm Gladwell của cuốn sách bán chạy Outliers: The Story of Success từng đưa ra nguyên lý nổi tiếng về nỗ lực “luyện tập có chủ đích” (deliberate practice). Luyện tập có chủ đích là khi bạn tập trung hết sức vào cải thiện một kỹ năng nào đó và sẵn sàng vượt thoát khỏi “vùng an toàn” thông thường của mình. Đây cũng là thứ khiến nhiều vận động viên và nhạc công nâng cao trình độ của mình một cách nhanh chóng hơn những người khác rất nhiều.

Nhiều nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng bằng cách thay đổi cách luyện tập ít nhiều (chẳng hạn như tăng thêm áp lực về thời gian, độ khó,…) bạn có thể tăng tốc độ học của mình rất nhiều. Lý do là bởi thay đổi cách luyện tập cũ có thể khiến não của bạn củng cố lại những gì đã biết. Thời gian lý tưởng để bạn thay đổi phương pháp rèn luyện là sau mỗi 6 tiếng luyện tập một phương pháp nào đó.

9. Trải nghiệm thực tế

Không gì có thể đánh bật lại được việc bắt tay trực tiếp làm thứ gì đó. Kiến thức sách vở chỉ có thể có giá trị khi được ứng dụng vào thực tế. Ví dụ việc bạn có thể đọc rất nhiều sách về đầu tư chứng khoán nhưng chỉ đến khi bạn chính thức bắt tay mua những cổ phiếu đầu tiên bằng tiền của mình, bạn mới có thể hiểu rõ tất cả quá trình này đòi hỏi những gì.

Một phương pháp khác là khiến bản thân mình đắm chìm trong trải nghiệm học. Ví dụ nếu bạn đang học tiếng Tây Ban Nha thì hãy dành vài tháng sống ở Mexico, cố gắng chỉ dùng tiếng Tây Ban Nha trong giao tiếp hàng ngày hay nói chuyện thật nhiều với người nói tiếng Tây Ban Nha ở nơi bạn sống. Chắc chắn trong vài tháng này bạn sẽ học được nhiều hơn cả vài năm ngồi cày ở nhà.

10. Dạy lại người khác những gì bạn học được

Khi dạy lại người khác những gì bạn đang học, não bạn có khả năng lưu giữ lại tới 90% những gì bạn vừa tiếp thu, đặc biệt là khi bạn truyền thụ lại cho người khác ngay sau khi tự học.

Chia sẻ kiến thức với người khác không chỉ giúp họ học được những thứ mới mà chính xác là bạn cũng đang tự giúp mình ngấm mọi thứ nhanh hơn bởi hoạt động này khiến não phải hồi tưởng, hệ thống lại và tìm cách diễn đạt trôi chảy mọi thứ vừa được học.

Trên đây là những gợi ý hữu ích giúp bạn đẩy nhanh tiến độ học – kỹ năng quan trọng trong kỷ nguyên thông tin nhiều đến chóng mặt hiện nay. Hãy thử áp dụng và theo dõi xem khả năng học của bản thân có thể được cải thiện đến mức nào nhé.

THEO SGA

Đánh giá nội dung

Bình luận